Từ doanh nghiệp đến giảng đường
Lượt xem: 217Chọn giáo dục để gắn bó lâu dài sau khi có nhiều năm trải nghiệm làm việc tại môi trường doanh nghiệp, ThS Phạm Tấn Thông tìm thấy đam mê khi tham gia giảng dạy, truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm của bản thân cho sinh viên.
Rẽ hướng chọn giáo dục
Tốt nghiệp cử nhân ngành Đông Nam Á học, ThS Phạm Tấn Thông có thời gian dài làm ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước với nhiều vị trí như: nghiên cứu văn hóa, quan hệ công chúng, quản trị thương hiệu.
ThS Thông rẽ hướng sang công tác giảng dạy đến nay cũng đã gần 10 năm. ThS Phạm Tấn Thông hiện là Giám đốc chương trình ngành Đông phương học tại Đại học Gia Định.
Nói về lựa chọn của mình, ThS Phạm Tấn Thông chia sẻ bản thân muốn làm việc với các bạn trẻ đồng thời cũng muốn chia sẻ những kiến thức của mình đến nhiều người.
“Thời gian đầu từ doanh nghiệp về, thầy cũng hết mình vì công việc, cũng truyền hết cho các bạn sinh viên những kiến thức mà mình có được từ doanh nghiệp. Tuy nhiên, làm giảng viên không đơn thuần chỉ vậy. Chúng ta phải biết cách giao tiếp, ứng xử trong môi trường giáo dục. Thầy đã rèn luyện, tự thay đổi bản thân để phù hợp với môi trường”, ThS Phạm Tấn Thông chia sẻ.
“Chúng ta không thể dạy bảo cho ai bất cứ điều gì, chúng ta chỉ có thể giúp họ phát hiện ra những gì còn tiềm ẩn trong họ” - GALILEO
Nhận thấy những định hướng phát triển của trường gần với quan điểm giáo dục của bản thân, năm 2021 ThS Phạm Tấn Thông về công tác tại Đại học Gia Định, tiếp tục hành trình mang tri thức đến cho thế hệ trẻ.
Nói về đam mê giảng dạy của mình, ThS Phạm Tấn Thông bộc bạch: “Thầy cô rồi cũng già đi, kiến thức nếu không được chia sẻ nó sẽ không có ý nghĩa. Khi chia sẻ kiến thức cùng sinh viên, thầy cô không chỉ đứng ở vị trí người truyền đạt mà còn học hỏi sinh viên ở sự sáng tạo. Thầy chia sẻ cho trò và trò đem lại cái mới cho thầy”.
“Chúng ta không thể dạy bảo cho ai bất cứ điều gì, chúng ta chỉ có thể giúp họ phát hiện ra những gì còn tiềm ẩn trong họ” - GALILEO. Đó là câu nói tâm đắc của ThS Phạm Tấn Thông.
“Mình là người hướng dẫn cho sinh viên, khi đó các bạn sẽ tự phát triển bản thân, tự tìm hiểu thêm và tự thành công trên con đường sau này. Điều này cũng gần với hướng phát triển đào tạo của Gia Định đó là không đi theo lối mòn, không áp đặt kiến thức. Thầy cô sẽ định hướng cho các bạn biết bản thân cần gì, xã hội cần gì để từ đó phát triển năng lực bản thân, khám phá những cái mới. Thầy cô chỉ là những người đứng sau hỗ trợ các bạn”.
Cống hiến và tận tâm
Thầy cảm thấy tất cả mọi người từ thầy cô đến cán bộ nhân viên đều đã và đang dành hết tâm huyết cho Đại học Gia định. Ai cũng đang cùng nhau đóng góp sức của mình cho sự phát triển của trường. Để sau này, chúng ta cũng sẽ tự hào mình là một trong những người góp phần làm nên sự vững mạnh của Đại học Gia Định.
“Đặc biệt khi về GDU thì những đóng góp của mình rất được Ban Giám hiệu ghi nhận, đó là sự động lực rất lớn để cho các thầy cô, không chỉ riêng thầy cống hiến hết mình”, ThS Phạm Tấn Thông cho biết.
Đặc thù của ngành Đông Phương học tại Đại học Gia Định là sinh viên được đào tạo nhiều về kỹ năng, kiến thức khai phóng và được tiếp cận với doanh nghiệp ngay từ rất sớm.
ThS Phạm Tấn Thông không chỉ chú trọng truyền tải kiến thức chuyên môn cho các bạn sinh viên mà còn tạo điều kiện để các bạn tham gia học tập tại các doanh nghiệp. Điều này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.
“Sự tăng trưởng của Đại học Gia Định các năm qua mọi người đều có thể thấy. Đó là sự tăng trưởng về mặt tuyển sinh, về mặt đào tạo. Thầy tin tưởng rằng Đại học Gia Định mình sẽ thành công hơn nữa trong tương lai”, ThS Phạm Tấn Thông cho biết.
Mỹ Ngọc